Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Thiếu ối khi mang thai phải làm sao ?

Mẹ bầu chẩn đoán trước sinh bị thiếu ối sẽ khiến tử cung bị giảm sút lượng máu nuôi thai nhi. Nếu quá trình này kéo dài sẽ dẫn tới hậu quả thai suy dinh dưỡng và nghiêm trọng hơn là thai chết lưu trong tử cung hoặc chết ngay lúc chuyển dạ.

Thiếu ối khi mang thai phải làm sao ?

Vai trò của nước ối

Nước ối đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Nước ối là môi trường dưỡng chất ở thể lỏng, chứa trong buồng ối của thai phụ. Nước ối xuất hiện trong khoảng thời gian từ ngày 12-28 sau khi thụ thai, được hình thành từ ba nguồn: thai nhi, màng ối và người mẹ.
Nước ối có chức năng tái tạo năng lượng. Vì vậy, loại chất này vừa có thể cung cấp dưỡng chất cho thai nhi vừa giúp thai tránh được sự chèn ép quá mức do co cơ tử cung (khi thiểu ối), làm ảnh hưởng đến sự cung cấp máu nuôi bào thai qua mạch máu rốn. Màng ối bảo vệ thai tránh sự xâm nhập của vi trùng từ bên ngoài.
Hơn nữa, trong dung dịch nước ối còn chứa cả những tế bào của thai nhi. Vì vậy, các bác sĩ có thể dùng phương pháp chọc nước ối để chẩn đoán hệ thống gen của thai và xác định tuổi thai, qua việc xét nghiệm một số thành phần khác trong nước ối.

Thiếu ối là gì?

Thiếu ối là tình trạng mẹ bầu có quá ít nước ối. Lượng nước ối có thể được đo thông qua các phương pháp như đánh giá chỉ số nước ối (AFI), đo độ sâu túi ối…
Nếu AFI dưới 5cm, thể tích nước ối nhỏ hơn 500ml khi thai được 32 – 36 tuần hay không có độ sâu 2-3cm thì được chẩn đoán là thiếu ối. Thiếu ối có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào nhưng chủ yếu trong 3 tháng cuối thai kỳ. Có khoảng 8% phụ nữ mang thai có ít nước ối, trong đó 4% là thiếu ối. Những thai phụ sinh muộn, thai nhi được 42 tuần tuổi cũng dễ bị thiếu ối do chất lỏng có khả năng giảm đi một nửa sau tuần 42.
Thiếu ối rất nguy hiểm có thể gây sinh non, thai chết lưu

Thiếu ối có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của thiếu ối tùy thuộc vào thời điểm bị thiếu ối trong thai kỳ. 
Nếu mẹ bị thiếu ối trong 3 tháng đầu thai kỳ thì khả năng gây sảy thai và thai chết lưu là rất lớn. Nếu trường hợp thai nhi còn sống thì sự phát triển và chức năng của phổi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mẹ bị thiếu ối trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể khiến thai bị suy dinh dưỡng, có nguy cơ cao bị sinh non do suy thai. Bên cạnh đó, thiếu ối cũng khiến ngôi thai bị ngược do không đủ nước ối để thai nhi xoay ngôi, gây khó khăn cho quá trình sinh. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm khi thiếu ối 3 tháng cuối thai kỳ vẫn không quá lớn, mẹ chỉ cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, có thể truyền nước để bổ sung ối.
Ngoài ra, thiếu ối giai đoạn cuối thai kỳ dễ khiến mẹ bị vỡ ối sớm. Mẹ bầu cần được theo dõi để tránh nguy cơ nhiễm trùng ối và theo dõi tình trạng của thai nhi để can thiệp xem có nên sinh sớm hay không.

Dấu hiệu nhận biết thiếu ối

Mẹ bầu cũng có thể tự mình nhận biết tình trạng trên thông qua một số biểu hiện sau: chu vi vòng bụng tăng lên chậm trong khi cảm nhận về hoạt động của thai nhi rõ ràng hơn trước, có lúc thai máy, đạp có thể khiến bụng mẹ bầu đau đáng kể. Điều này là do hiệu ứng của việc thiếu nước ối, bởi khi thai hoạt động sẽ tác động lực trực tiếp lên thành tử cung, gây ra các cơn đau co thắt.
Khi khám thai, các số liệu sẽ cho thấy đỉnh tử cung nhô lên mà chu vi vòng bụng nhỏ hơn tiêu chuẩn tương ứng với tuổi thai. Lúc đó, bác sĩ sẽ đề nghị bạn siêu âm để đánh giá chính xác về lượng nước ối.
Thiếu ối có thể được chẩn đoán thông qua siêu âm

Nguyên nhân gây thiếu ối

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu ối, trong đó có các nguyên nhân chính sau:
  • Vỡ ối, rỉ ối trước khi chuyển dạ: Vì lí do nào đấy, màng ối bị rách và nước ối thoát ra ngoài dẫn đến việc thiếu ối. Thiếu ối do vỡ ối, rỉ ối được chẩn đoán qua các dấu hiệu như ra nước, ra dịch âm đạo nhiều… Bệnh nhân cần đi khám ngay khi các những biểu hiện này để được chẩn đoán và xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Bất thường về nhiễm sắc thể thai nhi: Thai nhi chậm phát triển, siêu âm thai có hình ảnh bất thường hay chẩn đoán dựa vào chọc ối để xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ.
  • Chức năng tử cung – bánh rau suy giảm: Tình trạng này khiến thai nhi chậm phát triển kèm theo cạn ối, thiếu ối. 
  • Bất thường về hệ tiết niệu của thai nhi: Nếu thai có những bất thường về 2 bên thận, thận nhiều nang, suy chức năng thận hay tắc nghẽn niệu quản… có thể gây ra thiếu ối. Tình trạng này có thể được phát hiện thông qua siêu âm thai, xét nghiệm máu tĩnh mạch ở rốn thai nhi.
  • Mẹ bầu mắc các bệnh như cao huyết áp, bệnh lý về gan, thận, tiền sản giật sẽ ảnh hưởng đến chức năng của rau thai và chức năng tái tạo nước ối. Do đó, khi mẹ bị những bệnh trên, khả năng bị thiếu ối là rất cao.
Ngoài ra, việc mẹ sử dụng các loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin trong khi mang thai cũng có thể gây thiếu ối.

Phương pháp điều trị thiếu ối

Thiếu ối thường được chẩn đoán qua siêu âm ở các lần khám thai định kỳ. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể truyền dịch vào túi ối của mẹ bầu để duy trì đủ lượng nước ối cần thiết cho thai nhi phát triển.
Nếu thiếu ối trong 3 tháng đầu, cần xác định nguyên nhân gây ra từ mẹ hay từ phôi thai. Từ đó, điều trị nguyên nhân một cách triệt để. Đa số nguyên nhân đến từ các bệnh lý của người mẹ. Nếu cần thiết có thể sẽ phải chấm dứt thai kỳ.
Nếu thiếu ối trong 3 tháng giữa thai kỳ cũng cần phải xác định chính xác nguyên nhân. Ở giai đoạn này, nguyên nhân có thể đến từ thai nhi như dị tật bẩm sinh nặng. Nếu vậy cần chấm dứt thai kỳ ngay.
Nếu thiếu ối trong 3 tháng cuối thai kỳ, người mẹ cần thăm khám thường xuyên hơn. Thậm chí nếu thiếu ối nặng, mẹ cần nằm viện theo dõi và truyền dịch vào túi ối để đảm bảo đủ nước ối cho thai nhi phát triển. Khi thai nhi được 37 tuần hoặc khi các đánh giá về sức khỏe của cả hai mẹ con không đảm bảo có thể chấm dứt thai kỳ.
Trong suốt quá trình điều trị thiếu ối, mẹ bầu cần uống nhiều nước, uống nước trái cây để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước cho cả mẹ và thai nhi.

Biện pháp phòng ngừa nước ối

Để đảm bảo suốt quá trình mang thai mẹ luôn đủ ối cho thai nhi phát triển, cách tốt nhất là uống đủ nước. Trung bình, mỗi ngày mẹ bầu nên uống 2 lít nước, bao gồm cả nước khoáng, nước trái cây. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong suốt thai kỳ để ngăn ngừa thiếu ối, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.
Đồng thời, mẹ bầu cần đảm bảo khám thai định kỳ đầy đủ để nắm bắt tình hình sức khỏe cũng như giúp phát hiện sớm những bất thường để bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị kịp thời, chính xác, đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con.

Tăng nước ối cho bà bầu

Nếu mẹ được chẩn đoán bị thiếu ối, hãy áp dụng những phương pháp dưới đây để tăng lượng nước ối cần thiết cho thai nhi phát triển. Chọc ối là gì
Mẹ bầu nên uống đủ nước và ăn nhiều trái cây, rau quả để ngừa thiếu ối
– Uống nhiều nước
Đây là lời khuyên đầu tiên dành cho mẹ bầu bị thiếu ối. Để tăng nước ối, mẹ phải đảm bảo cơ thể luôn đủ nước. Mỗi ngày, mẹ bầu cần uống 2 – 2,5 lít nước. Mẹ nên bổ sung thường xuyên, không nên đợi đến khi khát mới uống. Khi uống, hãy uống từ từ, chậm rãi là tốt nhất.
– Ăn trái cây nhiều nước
Ngoài nước khoáng, mẹ nên bổ sung nước và dưỡng chất bằng các loại trái cây, rau củ có hàm lượng nước cao. Những thực phẩm này gồm: dưa chuột, dưa hấu, cà chua, rau diếp, cần tây… Chúng đều có khả năng giúp mẹ tăng lượng nước ối hiệu quả.
– Tăng cường chế độ dinh dưỡng
Trong suốt thai kỳ, nếu mẹ luôn ăn uống điều độ và đủ chất thì sẽ cung cấp đủ chất cho thai nhi thông qua nước ối. Nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi sẽ thường xuyên nuốt nước ối. Nếu mẹ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ không chỉ giúp bé phát triển toàn diện mà còn giúp vị giác của con tốt hơn.
– Bổ sung các loại nước khác
Trong suốt thai kỳ, mẹ nên bổ sung nhiều loại nước trái cây. Trong đó, nước dừa được đánh giá rất cao. Nước dừa có vị ngọt thanh dễ uống lại chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt “sạch” hơn nhiều loại nước khác. Ngoài ra, mẹ có thể uống nước ép trái cây từ mía, cam, cóc, ổi…
– Không dùng thực phẩm làm mất nước
Một số nước có tác dụng lợi tiểu như râu ngô, cà phê… sẽ làm mẹ dễ bị mất nước và dẫn tới tình trạng thiếu ối. Ngoài ra, mẹ tuyệt đối không nên uống rượu bia vì chúng không chỉ không tốt cho sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển ống thần kinh ở thai nhi. Chúng cũng khiến mẹ bị mất nước và làm giảm lượng nước ối gây thiếu ối.
– Luyện tập thể dục thể thao đều đặn
Tập luyện thể dục thể thao không chỉ giúp mẹ khỏe mạnh, tăng sức đề kháng mà còn giúp tăng lưu lượng tuần hoàn máu trong tử cung và nhau thai. Điều này cực kỳ tốt đối với những thai phụ có lượng nước ối ít. Mẹ bầu nên tập luyện thể dục khoảng 30-45 phút mỗi ngày bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội…
– Chọn tư thế ngủ thích hợp
Với mẹ bầu, khi ngủ mẹ nên nằm nghiêng sang trái vì ở tư thế này, máu của mẹ sẽ lưu thông tốt hơn, tạo điều kiện cho hệ tuần hoàn của thai nhi được chảy tốt hơn, góp phần cải thiện lượng nước ối.
Đọc thêm: nipt là gì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét