Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Có thai lần thứ 2 cần chú ý điều gì ?

 Ở lần mang thai thứ 2, bạn sẽ chứng kiến nhiều thay đổi so với lần mang thai đầu tiên, bên cạnh một số điều có xu hướng giữ nguyên. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là mỗi lần mang thai là duy nhất. Vì vậy, thực sự không thể có dự đoán chính xác thai kỳ cụ thể sẽ như thế nào, và bạn cần chuẩn bị thật chu đáo cho thai kì lần này, như lần đầu tiên. Cùng xét nghiệm sàng lọc trước sinh Gentis tìm hiểu chi tiết hơn nhé !

Mang thai lần thứ 2 cần chú ý những gì ?

Tôi sẽ thấy bụng sớm hơn?

Em bé của bạn không phát triển nhanh hơn, nhưng bạn có thể thấy bụng bầu nhô ra sớm hơn một chút so với lần đầu tiên. Điều này là do cơ bụng của bạn được nới lỏng một cách tự nhiên sau lần mang thai đầu tiên. Hãy chuẩn bị quần dây thắt lưng đàn hồi rộng rãi hoặc bắt đầu mặc quần áo bà bầu sớm hơn.
Tôi sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn ở lần mang thai này?

Có lẽ. Trên thực tế, nhiều phụ nữ nói rằng họ cảm thấy mệt mỏi hơn trong những lần mang thai tiếp theo. Thực sự không có gì ngạc nhiên, vì còn phải chăm sóc bé đầu tiên, bạn sẽ có ít thời gian để nghỉ ngơi hơn. Và, bạn có thể nhận được ít sự giúp đỡ từ các ông chồng hơn, người có thể nghĩ rằng bạn đã quen với việc mang thai rồi.
Vì vậy, hãy cắt giảm các hoạt động không cần thiết và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Nhắc các ông chồng rằng bạn cần thêm sự giúp đỡ. Đừng ngần ngại gọi cho các thành viên khác trong gia đình và bạn bè, nếu bạn cần giúp đỡ.

Tôi sẽ bị đau nhức nhiều hơn?

Có khả năng. Ví dụ như đau lưng sẽ có xu hướng phổ biến hơn sau mỗi lần mang thai. Nếu bạn không lấy lại được cơ bụng sau lần sinh đầu tiên, nguy cơ đau lưng của bạn bây giờ sẽ cao hơn. Tăng cường cơ bụng của bạn có thể ngăn ngừa hoặc giảm bớt đau thắt lưng khi bụng bầu phát triển. Tìm thời gian để tập thể dục bất cứ khi nào bạn có thể.
Nếu bạn có con nhỏ, có lẽ bạn phải chạy nhiều hơn, bế con lên hay uốn gập người, điều này có thể khiến bạn gặp nguy hiểm. Luôn gập đầu gối trước tiên để hạ người xuống, rồi mới bế con lên, để giảm thiểu áp lực lên lưng của bạn.
Theo một số nghiên cứu, chứng giãn tĩnh mạch cũng có xu hướng trở nên tồi tệ hơn sau mỗi lần mang thai. Nếu bạn bị giãn tĩnh mạch ở lần mang thai trước, hãy cân nhắc việc vớ (tất) tĩnh mạch và nâng cao chân bạn khi có thể. Tập thể dục cũng rất hữu ích. Đo độ mờ da gáy và những điều mẹ bầu cần biết !

Tôi sẽ cảm thấy thai máy và cơn co gò Braxton Hicks sớm hơn?

Nhiều khả năng. Các bà mẹ đã có kinh nghiệm thường cảm thấy các cử động của bé sớm hơn vài tuần so với lần mang thai đầu tiên, có thể là đã quen với cảm giác này. Bạn cũng có thể nhận thấy các cơn gò Braxton Hicks sớm hơn một chút vào lần mang thai thứ hai, vì lý do tương tự.

Còn chứng táo bón và trĩ thì sao?


Nếu bạn bị táo bón hoặc trĩ trước khi mang thai, hãy thử các biện pháp phòng ngừa sớm, chẳng hạn như ăn nhiều chất xơ hoặc bổ sung chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên. Tập Kegels hàng ngày cũng rất có ích.

Các biến chứng thai kì có nguy hiểm hơn không?

Nếu bạn là một phụ nữ khỏe mạnh và không có biến chứng trong các lần mang thai trước, thì nguy cơ biến chứng của bạn bây giờ là thấp. Đúng là bạn càng có nhiều em bé, nguy cơ mắc một số biến chứng nhất định, chẳng hạn như vỡ nhau thai và xuất huyết sau sinh… sẽ càng tăng. Nhưng điều này chủ yếu là mối quan tâm đối với những phụ nữ đã sinh nhiều con.
Nếu trước đây bạn bị biến chứng thai kỳ – chẳng hạn như dọa sinh non và sinh non, tiền sản giật, vỡ nhau thai hoặc xuất huyết sau sinh – bạn có nguy cơ cao bị biến chứng khi mang thai lần này. Bạn cũng có nguy cơ cao bị biến chứng nếu bạn đang mắc chứng cao huyết áp, béo phì, hoặc tiểu đường kể từ lần mang thai trước.
Tiền sử các bệnh toàn thân, tiền sử sản – phụ khoa rất quan trọng và có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển thành biến chứng nguy hiểm trong lần mang thai tiếp theo này. Vì vậy, hãy cung cấp rõ ràng thông tin cho bác sĩ của bạn được biết, bất kỳ biến chứng khi mang thai hoặc sau sinh mà bạn gặp phải, bất kỳ vấn đề nào mà em bé đầu của bạn gặp phải, hoặc bất kỳ vấn đề nào bạn thấy còn lo ngại.

Mang thai lần 2 cần tiêm phòng những gì?


Trong lần đầu mang bầu bạn cần tiêm phòng đầy đủ các loại như: cúm, thủy đậu, viêm gan B, sởi – quai bị – rubella, uốn ván, …
Tuy nhiên, trong lần mang thai thứ 2 bạn không phải tiêm phòng lại tất cả các loại vacxin này. Vì một số vacxin có thời gian hiệu lực kéo dài như sởi – quai bị – rubella, thủy đậu.
Các vacxin cần tiêm trong lần mang thai thứ hai là:
➤Vacxin cúm: Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm hằng năm.
➤Vacxin uốn ván: Trong vòng 5 năm chưa tiêm nhắc vacxin uốn ván, bạn cần tiêm một mũi vào 3 tháng giữa thai kì. Nếu đã tiêm phòng 3 – 4 mũi uốn ván từ trước, lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm thì tiêm nhắc lại thêm một mũi để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. Nếu đã tiêm đầy đủ 5 mũi uốn ván thì không cần phải tiêm bổ sung khi mang thai lần sau. Vì sau 5 mũi thì khả năng bảo vệ là trên 95%. Nhưng nếu mũi thứ 5 đã tiêm trên 10 năm thì các mẹ nên tiêm nhắc lại 1 mũi
➤Vacxin bạch hầu, ho gà, uốn ván: nếu đã được tiêm từ nhỏ thì tiêm thêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ.
➤Vacxin phòng viêm ban B, rubella: cần xét nghiệm kiểm tra kháng thể để đảm bảo vẫn nằm trong ngưỡng bảo vệ hay đã xuống dưới mức có tác dụng phòng bệnh.

Khi nào nên nói với bé lớn rằng tôi đang mang thai?

Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh gia đình bạn như: tuổi của bé lớn, bạn nghĩ con sẽ đối diện ra sao với chuyện này. Cân nhắc, chờ đợi cho đến khi thai được thiết lập tốt – sau ba tháng đầu tiên, khi nguy cơ sảy thai giảm đáng kể.

Tôi có phải ngừng cho con bú khi tôi đang mang thai lần nữa không?


Động tác mút vú của trẻ kích thích cơ thể mẹ tiết ra hormone Oxytoxin gây co bóp tử cung. Với những trường hợp đặc biệt: dọa sảy thai, ra máu, tiền sử sinh non, thai đôi,… thì nên cai sữa cho bé lớn sớm. Với những trường hợp còn lại, có thể cho con bú khi mang thai nhưng cần chú ý: Khi dạ con có biểu hiện co bóp thì ngưng cho bé bú ngay.
Trong trường hợp cai sữa, bạn nên cắt giảm một cách từ từ, chẳng hạn như làm thưa dần các cữ bú mẹ để bé làm quen với sự thiếu vắng sữa mẹ. Bên cạnh đó, cách này cũng giúp tránh sự xáo trộn, thay đổi quá lớn của các hormone trong cơ thể người mẹ.

Dấu hiệu khi chuyển dạ lần hai là gì?

Bạn sẽ cảm thấy cổ tử cung bắt đầu giãn ra thêm một chút trong vài tuần trước khi chuyển dạ. Các cơn co thắt Braxton Hicks khi đến ngày gần sinh có thể sẽ gia tăng nhiều hơn so với lần mang thai trước. Việc chuyển dạ có xu hướng nhanh hơn (đôi khi nhanh hơn rất nhiều) so với lần mang thai đầu tiên.
Lần sinh thứ hai này có gì khác so với lần trước?
Thường thì thời gian chuyển dạ và sinh có thể sẽ ngắn hơn. Các bà mẹ lần đầu thường dành khoảng 10 đến 20 giờ chuyển dạ, nhưng nhìn chung, thời gian này sẽ ngắn hơn ở những lần chuyển dạ sau.
Và giai đoạn sinh cũng thường dễ dàng hơn. Thời gian trung bình của một cuộc sinh con so thường là 1 giờ. Thời gian này có thể rút ngắn còn hơn 20 phút nếu bạn đã sinh con qua âm đạo trước đó.

Triệt sản sau khi sinh như thế nào?

Nếu bạn đã quyết định không muốn có thêm con, bạn có thể chọn cách thắt ống dẫn trứng trong khi đang ở trong bệnh viện sinh con lần thứ hai này. Hãy báo với các bác sĩ dự định này trong những lần khám thai trước khi sinh.

Sự phục hồi sau sinh của tôi sẽ khác như thế nào?

Bạn có thể sẽ có những cơn đau sau khi sinh dữ dội hơn. Những cơn chuột rút này là do sự co bóp của tử cung khi nó co lại về kích thước và vị trí trước khi mang thai sau khi bạn sinh con.
Hậu quả thường nhẹ và ngắn ngủi đối với các bà mẹ sinh con lần đầu, nhưng họ có thể khá khó chịu sau lần sinh thứ hai và thường trở nên tồi tệ hơn với mỗi lần mang thai tiếp sau. Đó là bởi vì những người mẹ lần đầu có trương lực cơ tử cung tốt hơn nên tử cung có xu hướng co lại tốt hơn.
Bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để lấy lại vóc dáng sau lần sinh thứ hai này. Cũng như lần mang thai đầu tiên, ăn uống để giảm cân sau sinh sẽ không có tác dụng nhiều. Bạn cần tập thể dục phù hợp để lấy lại cơ bắp tốt.

Đọc thêm: sàng lọc trước sinh là gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét